Những kết quả đạt được của ngành văn hóa, thể thao và du lịch sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới

    Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có dân số trên một triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ khoảng 31%, cùng với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh đã góp phần tạo nên nét văn hóa đầy bản sắc, phong phú, đa dạng cho tỉnh Trà Vinh. Về văn hóa vật chất, nét nổi bật nhất của đồng bào dân tộc Khmer là ngôi chùa Phật giáo Nam tông, bên cạnh đó tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán,… của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh luôn được bảo tồn và phát huy. Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, đến nay vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

    Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh diễn ra thường xuyên, định kỳ; tổ chức phong phú về nội dung và hình thức. Toàn tỉnh có 370 cơ sở tôn giáo, trong đó có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh trở thành các trung tâm lưu giữ, truyền thừa các loại hình văn hóa, văn nghệ, âm nhạc, lễ hội… tạo sinh khí vui tươi lành mạnh duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay các chùa đã thành lập các đội văn nghệ dân gian với các dàn nhạc ngũ âm, đội trống sa dam, múa chằn, đội bóng chuyền, đội ghe ngo, các trò chơi dân gian,… để phục vụ rộng rãi trong các hoạt động lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt tỉnh đã phát triển được sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh.

    Ban hành chủ trương, chính sách phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư (khóa VI) về công tác vùng đồng bào Khmer có thể xem là văn bản xuyên suốt. Việc thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW được tổ chức sơ kết 2 lần (năm 1998, năm 2002) và tổng kết 15 năm thực hiện vào năm 2006. Trên cơ sở sơ kết, tổng kết thực tiễn, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã có Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW; từ năm 2018 việc thực hiện Chỉ thị số số 68-CT/TW được tiếp tục triển khai theo Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư khóa XII.

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Champabôrây

    Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện, trong đó Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

    Thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện tốt Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 23/4/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

    Các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thiện. Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh được nâng cao, các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thiện, cấp huyện đã đầu tư xây dựng Sân Vận động các huyện, Nhà thi đấu Thể dục - Thể thao, Quảng trường, Hội trường Trung tâm Văn hóa,… gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới; các điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ cho đồng bào dân tộc Khmer được hình thành. Đến nay thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã cơ bản được đầu tư hoàn thiện, hoạt động đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của Nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dận tộc Khmer của tỉnh.

    Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của tỉnh luôn được quan tâm, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Trà Vinh xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo 17 di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021- 2025, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 58 tỷ đồng. Quyết định phê duyệt danh mục dự án thành phần của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (tu bổ, tôn tạo 02 di tích) với tổng kinh phí thực hiện 7,2 tỷ đồng.

    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có liên quan, các đơn vị tư vấn thực hiện việc khảo sát, rà soát các di tích xuống cấp đã hoàn thành việc lập dự án trình các ngành chức năng tỉnh xem xét thẩm định, trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư gồm 7 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 3 di tích chùa Khmer (Di tích Bờ lũy - Chùa Lò Gạch, Chùa Tà Lôn, Chùa Ấp Sóc) và 11 di tích cấp tỉnh, trong đó có 6 di tích là các Chùa Khmer (Chùa Căn Snom, Chùa Chông Bát, Chùa Bào Môn, Chùa Ô Mịch, Chùa Bãi Xào Giữa, Chùa Chà).

Công tác sưu tầm, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh luôn được quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt, luôn chú trọng việc đổi mới, làm phong phú hiện vật trưng bày nhằm giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh  

    Hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm đặc biệt. Thực hiện theo kế hoạch phục vụ công chúng, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã dàn dựng các kịch bản văn học, nghệ thuật, các tiểu phẩm tuyên truyền, ca kịch sân khấu bằng tiếng Khmer,… để tuyên truyền cổ động nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông; chính sách xóa đói giảm nghèo đến Nhân dân các cấp,… Các chương trình văn nghệ, kịch bản tuyên truyền cổ động đến công chúng mang nội dung tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cho địa phương trong tỉnh.

    Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật dân tộc Khmer trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer như: Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc; Hội thi trang phục truyền thống Khmer tỉnh Trà Vinh; Liên hoan Văn nghệ Đội tuyên truyền lưu động; Liên hoan Tuyên truyền lưu động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Tham gia các cuộc Hội thi, Hội diễn, Liên hoan cấp khu vực và toàn quốc; đặc biệt năm 2023 tỉnh đăng cai, tổ chức thành công Liên hoan sân khấu Dù kê Nam bộ lần thứ 2, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao.

    Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh của tỉnh cũng đã thực hiện tốt kế hoạch được giao, hằng năm công tác biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và biểu diễn doanh thu tại một số huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh đạt và vượt theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Thực hiện dàn dựng các tác phẩm, tiết mục biểu diễn mới với trên 8 chương trình ca múa nhạc và 16 kịch bản sân khấu Dù Kê. Song song đó, xây dựng chương trình, tác phẩm tham gia các cuộc thi, liên hoan toàn quốc; thông qua các hoạt động trình diễn như Kịch hát Dù Kê, sân khấu Rô băm, các điệu múa dân gian, múa hát cộng đồng được đồng bào phật tử và các ngôi chùa Khmer duy trì lưu giữ, hoạt động trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội,… góp phần tiếp tục tuyên truyền việc giữ gìn các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

    Lĩnh vực thể dục, thể thao trong đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng. Tỉnh luôn quan tâm đến việc phát triển các phong trào thể dục, thể thao trong quần chúng và thể thao thành tích cao; đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển các môn thể dục thể thao truyền thống của người dân tộc Khmer.

     Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, các cấp trong tỉnh mà việc phát triển thể dục thể thao trong tỉnh nói chung và vùng đồng bào người dân tộc Khmer nói riêng luôn gặp thuận lợi. Hằng năm, định kỳ vào dịp Lễ hội Ok Om Bok, từ cơ sở đến tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thể thao sôi nổi tạo không khí vui tươi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh như: Tổ chức giải đua ghe Ngo vào dịp Lễ hội Ok Om Bok các đơn vị huyện, thành phố trong tỉnh tham dự và phục vụ hàng ngàn lượt người xem, cũng trong dịp Lễ hội này còn tổ chức giải Bóng chuyền, Bóng đá dân tộc Khmer và các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, đập nồi, nhảy bao bố… Ngoài ra tỉnh còn cử đội Ghe ngo huyện Càng Long, Cầu Kè,…tham dự các giải đua ghe ngo như: Giải đua Ghe ngo Đồng bằng sông Cửu Long, giải đua Ghe ngo vô địch toàn quốc đạt nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó còn tuyển chọn các vận động viên xuất sắc người dân tộc Khmer tham gia các giải thể thao, hội thao dân tộc thiểu số khu vực và toàn quốc. Hiện toàn tỉnh có hơn 40 đội bóng chuyền dân tộc, 08 đội đua Ghe ngo. Bên cạnh đó, các Hội thao các ngành và đặc biệt là Đại hội thể dục thể thao các cấp đều đưa các môn thể thao của đồng bào dân tộc Khmer vào nội dung thi đấu nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình thể thao mang bản sắc đặc trưng của đồng bào dân tộc.

    Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động thể dục thể thao; hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn giúp phát triển thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc Khmer. Các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để bà con người dân tộc Khmer tham gia tập luyện thể dục, thể thao trong các thiết chế thể dục thể thao hiện có của địa phương, khuyến khích xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất thể thao trong toàn tỉnh.

    Du lịchvùng đồng bào dân tộc Khmer phát triển mang lại nhiều khởi sắc. Triển khai thực hiện theo Quyết định số 1921/QĐ-UBND ngày 28/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch như: tham quan các di sản văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh; Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om được công nhận điểm du lịch năm 2022 là điểm đến cho khách tham quan, gắn với điểm du lịch chùa Âng và Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer; tham quan làng nghề, ẩm thực truyền thống của đồng bào Khmer.

    Từ năm 2018 ngành du lịch đã tham mưu Hội đồng nhân dân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND, ngày 11/7/2018 về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020 để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai thực hiện tỉnh đã xây dựng được 03 điểm du lịch cộng đồng,  xây dựng mới 09 nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm; xây dựng 03 homestay; hỗ trợ mua sắm phương tiện vận chuyển khách du lịch với với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó trên 700 triệu hỗ trợ cho các điểm du lịch do bà con người dân tộc Khmer làm chủ.

    Hiện nay để tiếp tục phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI đã xác định, tiếp tục hỗ trợ vốn, khuyến khích người dân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thực hiện đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương nhất là bà con ở các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ngành du lịch tỉnh đã tham mưu và được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025, trong đó tỉnh dành ngân sách gần 13 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ các dự án làm du lịch cộng đồng; hỗ trợ đầu tư, khôi phục nghề truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh; Hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian Khmer tại các điểm du lịch; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch; Hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm, hàng OCOP tỉnh Trà Vinh trên địa bàn toàn tỉnh; Hỗ trợ đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển khách du lịch; Hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

    Bên cạnh đó hằng năm, ngành VHTTDL thực hiện tốt việc tổ chức Lễ hội Ok Om Bok, tổ chức thành sự kiện văn hóa du lịch trở thành thương hiệu của du lịch Trà Vinh, hiện nay “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh” là sự kiện thường niên - đây là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, Nhân dân trong và ngoài tỉnh giao lưu, giới thiệu tiềm năng kinh tế; quảng bá du lịch, tìm kiếm đối tác kinh doanh, hợp tác đầu tư, phát triển.

    Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền với du lịch vùng dân tộc Khmer luôn được chú trọng, hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư; quan tâm tu bổ, tôn tạo các điểm di tích lịch sử trong tỉnh, thắng cảnh Ao Bà Om, Chùa Âng, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh, Khu di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch tiếp tục được đầu tư hàng chục tỷ đồng vốn xây dựng, trùng tu để kết nối với tuyến du lịch trong tỉnh. Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 4 điểm trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú và thành phố Trà Vinh, mỗi điểm dự kiến khoảng 50 triệu đồng; Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống Khmer tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Hỗ trợ nhạc cụ, trang phục biểu diễn cho khoảng 6 đơn vị (30 triệu đồng/01 đơn vị). Hiện tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu về mô hình trải nghiệm không gian du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc; các sản phẩm du lịch nông nghiệp: mật hoa dừa, dừa sáp,…

    Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, duy trì, phát triển các lễ hội truyền thống.

    Tiếp tục phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, thực hiện kế hoạch trùng tu Nhà Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và chỉnh lý các phòng trưng bày phục vụ khách tham quan du lịch. Sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày được hơn 1.000 hiện vật thể hiện văn hóa ăn, mặc, ở, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và truyền thống đoàn kết đấu tranh của đồng bào Khmer Trà Vinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ.

    Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống được thực hiện tốt, ngoài lễ hội Ok Om Bok, các lễ hội truyền thống khác của đồng bào dân tộc Khmer như Lễ Chôl Chnam Thmây, Lễ Sen Đôn Ta, thờ cúng Neak Tà, các lễ chùa luôn được tổ chức tốt; ngoài ra các loại hình nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh, các hoạt động trình diễn như sân khấu Dù Kê, sân khấu Rô băm, các điệu múa dân gian, múa hát cộng đồng được đồng bào phật tử và các ngôi chùa Khmer được duy trì, tổ chức tốt.

    Công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn liền với hoạt động du lịch phục vụ khách tham quan, tham gia lễ hội được thực hiện tốt; việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm được tổ chức tiết kiệm và hiệu quả. Hàng năm, lễ hội Ok Om Bok được tổ chức với quy mô cấp tỉnh do Nhà nước với nhân dân cùng làm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kịch bản lễ hội, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức đúng theo quy định. Đối với lễ tết cổ truyền và một số lễ hội truyền thống nhỏ cấp khóm, ấp (xã hội hóa) như các lễ chùa, cúng NeakTa, lễ cầu mưa,… do địa phương tổ chức và quản lý tốt.

    Công tác bảo tồn, tiếng nói, chữ viết, mức hưởng thụ văn hóa của dân tộc Khmer cũng được chú trọng, để tham gia bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào Khmer, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện in và phát hành Nội san văn hóa Khmer 10 số (02 số/năm) với số lượng 11.200 quyển trong dịp lễ Chôl Chnam Thmây, lễ Sen Đôn Ta hàng năm, nhằm tuyên truyền chính sách văn hóa của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

    Cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

    Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thời gian qua đã giúp cho ngành VHTTDL tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện tốt nhiều chương trình, chính sách, dự án có liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

    Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, nhất là được sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Các ngành, các cấp trong tỉnh thời gian qua đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số an tâm lao động sản xuất. Mặc dù đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy được cải thiện nâng lên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong tỉnh Trà Vinh cũng còn gặp một số khó khăn, đó là đội ngũ làm công tác văn hóa là người dân tộc thiểu số còn thiếu; đội ngũ quản lý, nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật là dân tộc Khmer còn ít; đội ngũ văn nghệ sĩ được đào tạo còn rất khiêm tốn.

    Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong tỉnh Trà Vinh thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu cụ thể hóa các các chương trình mục tiêu, các chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số, phù hợp điều kiện thực tế của ngành, từng địa phương, đơn vị, nhất là tập trung tham mưu tốt các chính sách hỗ trợ lĩnh vực VHTTDL cho vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh (gọi tắt là Dự án 6) đã được UBND tỉnh phê duyệt - đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục; đồng thời có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cộng đồng các dân tộc thiểu số để cùng thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trong tỉnh.

    Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động lễ hội truyền thống, giao lưu nghệ thuật, giao lưu Nhân dân với các tỉnh, thành bạn và các nước; hỗ trợ đầu tư khôi phục, tu bổ các di tích, danh lam thắng cảnh; sưu tầm, thống kê, phục dựng các loại hình văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian, phát triển các phong trào thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Phối hợp với một số ngành, địa phương trong tỉnh, các cơ sở tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân tộc nói chung; giữ gìn các loại hình văn hóa truyền thống, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch xứng tầm với xu thế phát triển hiện nay./.

Bài viết: Hà Thanh.Ảnh: Hoàng Chương

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5 









Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 256
  • Tất cả: 1954806
Đăng nhập