THÀNH TỰU 30 NĂM CỦA NGÀNH DU LỊCH TRÀ VINH

    Tổng quan du lịch Trà Vinh

    Trà Vinh - tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất cộng cư, gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc có sự khác biệt so với các tỉnh trong vùng mà đặc trưng là bản sắc văn hóa Khmer. Tỉnh Trà Vinh có nhiều công trình kiến trúc lâu đời có giá trị lịch sử văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, do đó, du lịch văn hóa là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Trà Vinh. Với vị trí địa lý nằm giữa hai con sông lớn, phía Bắc giáp sông Tiền, phía Nam giáp sông Hậu, phía Đông giáp biển với chiều dài 65 km có lợi thế để khai thác điện gió, điện mặt trời, cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ khác như dịch vụ logistics, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng.

Điểm du lịch Cồn Chim

    Cùng với hệ thống sông rạch phong phú, nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất đai luôn được phù sa bồi đắp đã tạo cho Trà Vinh một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú ở cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh đã và đang được đầu tư khai thác có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Trải qua 30 năm từ khi thành lập tỉnh năm 1992 đến nay, từ xuất phát điểm rất thấp, cho đến nay hoạt động du lịch tỉnh có được những thành quả rất đáng tự hào, được lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh ghi nhận và sâu sát trong chỉ đạo phát triển, du lịch được tỉnh được xem là ngành kinh tế quan trọng, cả hệ thống chính trị tập trung vào cuộc, từng bước xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

    Những kết quả du lịch Trà Vinh đạt được

    Nếu như từ khi mới tách tỉnh, du lịch Trà Vinh chưa được biết đến trong bản đồ du lịch Việt Nam, giai đoạn 1992 - 2007, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chỉ có 01 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và 02 khách sạn do nhà nước quản lý, tổng thu du lịch chỉ đạt 124 tỷ đồng, lượng khách du lịch 729.000 lượt; tốc độ phát triển trung bình tăng 13%/năm, du lịch là một lĩnh vực phát triển còn rất yếu so với các tỉnh thành trong cả nước do yếu tố địa lý, giao thông đi lại chỉ có một tuyến đường độc đạo đi từ hướng Vĩnh Long về Trà Vinh qua quốc lộ 53.

    Đến năm 2008, kể từ khi Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11 tháng 11 năm 2008 “Về phát triển Thương mại - Du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”, du lịch tỉnh từng bước được đầu tư và ngày càng khởi sắc, đặc biệt kể từ năm 2015 khi Cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, phá thế độc đạo của Trà Vinh so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, việc thu hút xã hội hóa đầu tư du lịch được chú trọng, tỉnh bắt đầu hình thành mới các khu, điểm du lịch, giai đoạn 2008-2014, doanh thu đạt 430,5 tỷ đồng và lượng khách du lịch đến tỉnh là 1.791.000 lượt, tốc độ phát triển du lịch tăng bình quân 15%/năm.

Khu di tích lịch sử văn hóa Ao Bà Om

    Kế thừa thành quả phát triển du lịch của giai đoạn trước, đặc biệt sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 02/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển du lịch tỉnh bằng Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 về kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2015-2020, du lịch tỉnh có bước phát triển đột phá, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh quan tâm vào cuộc, tuyên truyền, quán triệt, triển khai rộng rãi Nghị quyết số 08-NQ/TW, Kế hoạch số 48-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Luật Du lịch và các chủ trương phát triển du lịch của Trung ương, địa phương, từ đó đã thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trong toàn tỉnh về vị trí, vai trò đặc biệt của ngành kinh tế du lịch, các địa phương trong tỉnh chú trọng, đã và đang xây dựng nhiều chương trình, đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Làng văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh

    Ngành du lịch tỉnh nhà đã có cơ hội làm việc (trực tiếp và gián tiếp) với hơn 500 doanh nghiệp lữ hành trên cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các chương trình xúc tiến đầu tư, hội thảo, tọa đàm đã giúp cho ngành du lịch tỉnh nhà ra mắt được một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như: “Làng văn hóa - du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh” gắn với quần thể di tích danh thắng Ao Bà Om và di tích khảo cổ Bờ Lũy - chùa Lò Gạch để khai thác yếu tố văn hóa Khmer và tạo điểm nhấn cho ngành Du lịch; điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (huyện Châu Thành), Cồn Hô (huyện Càng Long), điểm du lịch sinh thái Cù lao Tân Quy (huyện Cầu Kè); Cù lao Long Trị (thành phố Trà Vinh), điểm du lịch di tích lịch sử Đền thờ Bác, khu du lịch biển Ba động gắn tham quan điện gió... Nhiều đơn vị lữ hành đã triển khai các chương trình du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng, sinh thái, trãi nghiệm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt được hiệu quả rất tích cực.

         Bên cạnh đó, tỉnh cũng là một trong những tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã sớm ban hành nghị quyết đặc thù để hỗ trợ tạo động lực, làm đòn bẩy, vốn mồi cho đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 70 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020 và các nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 70 –HĐND, giai đoạn 2018-2021 tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh du lịch với tổng số tiền 2.001.485.000 đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Sở VHTTDL đã tham mưu thực hiện giảm các loại phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, tiền ký quỹ ngân hàng đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch nội địa, quốc tế; mức thu một số khoản phí , lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Hỗ trợ chính sách cho người lao động theo Nghị  quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ cho 46 người với tổng số tiền là 170.660.000 đồng.

    Tổng thu du lịch giai đoạn 2015-2019, đạt 1.197 tỷ đồng, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh là 3.772.000 lượt, tốc độ phát triển du lịch tăng cao, bình quân 30%/năm. Năm 2019 tổng thu du lịch 359 tỉ đồng; lượng khách đạt 1,1 triệu lượt. Giai đoạn 2015 - 2019 tỉnh đã thu hút và bố trí trên 500 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phục vụ du lịch. Đặc biệt, trong phát triển du lịch, tỉnh đã linh động, sáng tạo cách làm trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế, đã khẳng định được vai trò quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân tham gia đầu tư làm du lịch, qua đó đã xây dựng thành công 02 điểm du lịch cộng đồng, cũng là 2 mô hình du lịch mẫu về thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm du lịch thuận thiên Cồn Chim (mùa nào thì sản phẩm du lịch ấy) và du lịch sinh thái Cồn Hô (sử dụng năng lượng tự nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, kết nối nguồn lực ngành nông nghiệp vào du lịch giúp người dân giải quyết đầu ra sản phẩm tại chỗ) được các tỉnh, thành bạn đánh giá cao và là mô hình điểm để nhân rộng trong toàn tỉnh trong thời gian tới.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Trà Vinh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như các khu du lịch sinh thái mới được bước đầu triển khai thành lập, cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng chưa được đầu tư đồng bộ nên phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có và yếu tố văn hóa lễ hội, tâm linh để thu hút khách, số lượng khách quốc tế, khách miền Trung miền Bắc chưa cao; các khu di tích chưa được bảo tồn đúng mức, một số di tích bị xuống cấp.

    Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

   So với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, du lịch Trà Vinh với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nhiều khó khăn, do đó để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi ngành du lịch tỉnh cần nhiều nỗ lực, phấn đấu trong thời gian tới. Trong bối cảnh từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp có tác động nặng nề đến ngành du lịch của cả nước nói chung và du lịch tỉnh Trà Vinh nói riêng, để phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp tích cực trong cơ cấu GRDP của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra các giải pháp phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

    Thứ nhất, tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo nhận thức cho cả hệ thống chính trị cũng như người dân hiểu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch. Tỉnh ủy tiếp tục xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ đột phá, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

    Lồng ghép vào các phong trào xây dựng ấp, khóm văn hóa, đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền các nội dung về quy tắc ứng xử trong du lịch nói riêng và quy ước trong quan hệ cộng đồng dân cư nói chung để hình thành môi trường du lịch lành mạnh, qua đó góp phần giáo dục ý thức cộng đồng, đặc biệt là người dân nhận thức rõ được thế mạnh của du lịch Trà Vinh, để qua đó mỗi người dân sẽ trở thành một hướng dẫn viên du lịch thật sự, quảng bá được hình ảnh, đất nước con người Trà Vinh ra bên ngoài.

    Thứ hai, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh dựa trên các thế mạnh về tài nguyên, trong đó xây dựng 03 sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và du lịch biển. Để làm được điều đó, Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi địa phương phải xây dựng, hình thành ít nhất một điểm đến tiêu biểu dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc trưng của từng địa phương cụ thể: xây dựng Thành phố Trà Vinh trở thành đô thị du lịch xanh với các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; thị xã Duyên Hải phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với kinh tế biển như dịch vụ logistics, cảng biển vận tải biển, bảo hiểm, tài chính…; huyện Duyên Hải đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển; huyện Cầu Ngang khai thác du lịch lễ hội gắn với làng nghề và các cồn nổi ven biển; huyện Trà Cú du lịch văn hoá làng nghề; huyện Cầu Kè phát triển du lịch lễ hội, sinh thái miệt vườn; Châu Thành tập trung vào du lịch cộng đồng; huyện Tiểu Cần ưu tiên phát triển loại hình du lịch nông nghiệp; huyện Càng Long đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống. Đến năm 2045 hình thành 03 trung tâm du lịch lớn của tỉnh trở thành “vệ tinh du lịch quan trọng” và “điểm đến ấn tượng” của vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, văn hoá, ẩm thực thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận (huyện Châu Thành và huyện Càng Long); Trung tâm du lịch sinh thái biển thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang; Trung tâm du lịch sinh thái - văn hóa gồm huyện Cầu Kè, huyện Trà Cú và huyện Tiểu Cần.

    Trước mắt, tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hoá Khmer bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh Làng Văn hoá - Du lịch Khmer tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Khmer và tạo điểm nhấn cho ngành du lịch. Đồng thời, đầu tư, nâng cao chất lượng các điểm đến là “mô hình kiểu mẫu” trong việc xây dựng chuỗi giá trị du lịch gắn với thế mạnh du lịch nông nghiệp của tỉnh.

    Thứ ba, tham mưu UBND tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút xã hội đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; chủ động tham mưu xây dựng chính sách để tiếp tục hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nhằm kết nối tuyến điểm du lịch trong tỉnh Trà Vinh cũng như với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cầu Đại Ngãi, đầu tư các tuyến đường hành lang ven biển để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch; tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan quan, nghỉ dưỡng cao cấp tại đô thị du lịch xanh thành phố Trà Vinh, đô thị du lịch biển thị xã Duyên Hải. Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, thể thao đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao cấp khu vực và cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực, giải trí… tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch tỉnh và hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

    Thứ tư, đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào sức mạnh công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh thành trong nước và các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình để tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Trà Vinh. Từng bước xây dựng hệ sinh thái “du lịch thông minh”: Xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch; tận dụng các tiện ích của công nghệ gắn với việc cung cấp thông tin và đáp ứng nhu cầu cho du khách; kết nối dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch gắn với công nghệ. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành, quản lý của các cấp chính quyền đối với ngành du lịch.

    Thứ năm, tăng cường công tác sưu tầm, bảo quản và lập hồ sơ di tích, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm gắn với khai thác phát triển du lịch.

    Trước bối cảnh dịch bệnh, trong năm 2020 - 2021 ngành du lịch Trà Vinh đã tiến hành tái định vị nhằm tranh thủ thời gian diễn ra dịch bệnh giúp hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn có cơ hội phục hồi và ấp ủ các dự định mới nhằm gia cố cấu trúc sản phẩm du lịch Trà Vinh theo định hướng bền vững. Để ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, bên cạnh nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu tham mưu lãnh đạo tỉnh sớm triển khai cổng du lịch thông minh của tỉnh; ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025, để thu hút, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến với Trà Vinh; tạo cơ chế thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước đến khai thác đầu tư các dự án du lịch, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó chú ý các dự án trọng tâm như: Mỏ nước khoáng nóng Cồn Ông - Long Thạnh để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng, đây nguồn tài nguyên do thiên nhiên ưu ái cho Trà Vinh và là điểm đến duy nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về khoáng nóng. Rừng ngập mặn Nông trường 22/12, với diện tích 105 ha, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thuận lợi để đầu tư du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng. Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, với diện tích khoảng 650 ha, đã được tỉnh đầu tư để khôi phục và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng ngận mặn ven biển, trong đó có quy hoạch khu bảo tồn sinh thái, bảo tồn các giống thực vật quý hiếm,… kết hợp phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái tiêu biểu của tỉnh./.                                            

                                                            Bài, ảnh: Dương Hoàng Sum, TUV,  Giám đốc  Sở VHTTDL Trà Vinh

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 









Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 28
  • Trong tuần: 498
  • Tất cả: 1954087
Đăng nhập